(Xây dựng) - Hạ tầng giao thông đang giúp Thái Bình phá thế “ốc đảo”, khơi dậy tiềm năng của một cực tăng trưởng mới trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, đồng thời góp phần đưa Thái Bình trở thành “từ khóa” hấp dẫn đối với các nhà phát triển đô thị.
Nhiều tuyến giao thông cầu đường được Thái Bình quyết liệt triển khai
Giao thông phá thế “ốc đảo”...
Thái Bình từng là địa phương ở thế “ốc đảo” với ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển, khả năng kết nối vùng của tỉnh bị hạn chế khi thiếu đường cao tốc, hệ thống giao thông nội tỉnh chủ yếu là các tuyến đường quy mô nhỏ, có nhiều con sông ngăn cách.
Nhận thức rõ "giao thông cần đi trước mở đường", Thái Bình xác định việc xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông là ưu tiên quan trọng hàng đầu để tạo ra sức mạnh liên kết vùng, định hướng phát triển trở thành địa bàn trung chuyển và là trung tâm phân phối hàng hoá của khu vực phía Nam đồng bằng Sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
Đáng kể đến là dự án đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua Nam Định và Thái Bình đang được tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sẵn sàng khởi công vào cuối năm 2024 với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Dự kiến khi hoàn thành tuyến cao tốc này sẽ mở ra cơ hội và không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình nhờ khả năng liên kết vùng chặt chẽ, góp phần phát triển công nghiệp, giảm chi phí logistics.
Bên cạnh đó, để rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian tới Thủ đô, tỉnh cũng đang nghiên cứu, phối hợp với Hưng Yên đầu tư tuyến đường xuyên tâm từ Hà Nội về Thái Bình. Tỉnh cũng sẽ sớm xây dựng cầu Sa Cao kết nối với tỉnh Nam Định, cầu An Đồng kết nối với tỉnh Hải Dương nhằm khắc phục nhược điểm khoảng cách do các dòng sông tạo ra.
Một dự án trọng điểm khác cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công là tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thái Bình có chiều dài 43km. Nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc – Nam, dự án tuyến đường ven biển này đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, là một trong những công trình giao thông trọng điểm, có vai trò chiến lược trong hợp tác thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế duyên hải miền Bắc.
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Thái Bình, đây là tuyến đường có vai trò quan trọng, kết nối Khu kinh tế Thái Bình với các vùng kinh tế trọng điểm lân cận, giúp vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ Thái Bình tới các tỉnh lân cận và xuất khẩu được thuận tiện, nhanh chóng.
Các tuyến giao thông nội tỉnh cũng từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại với tuyến đường vành đai phía Nam hay tuyến đường tỉnh 469 (Thái Bình - Cồn Vành) kết nối trung tâm thành phố với các khu kinh tế,…
Theo các chuyên gia, nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án trọng điểm không chỉ giúp Thái Bình khơi thông điểm nghẽn, phá thế “ốc đảo” mà còn là tiền đề để các tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị của Thái Bình được khơi dậy, vừa gia tăng lợi thế cạnh tranh, vừa tạo lực hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư.
…mở ra hệ lợi thế thu hút và “giữ chân” nhà đầu tư
Định hướng trở thành trung tâm phát triển công nghiệp hàng đầu của Vùng đồng bằng sông Hồng đặt ra cho Thái Bình nhiệm vụ quan trọng là thu hút và phát triển môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư.
Những năm gần đây nỗ lực thu hút đầu tư đã đem về “trái ngọt”, đưa “miền quê lúa” lên “bản đồ” thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đáng kể đến là tiềm năng của Khu kinh tế Thái Bình, được xác định là dự án hạt nhân của tỉnh, hứa hẹn khi đi vào hoạt động sẽ trở thành “cứ điểm” hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.
Thái Bình trở thành "cứ điểm" của hàng loạt "ông lớn" FDI.
Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu hút đầu tư, Thái Bình đã và đang có lộ trình phát triển nguồn lực đất đai, nhà ở xã hội, khu đô thị hiện đại…để thu hút người lao động, chuyên gia đến làm việc và sinh sống lâu dài.
Trên thực tế, tiềm năng và quy hoạch đang đưa Thái Bình ngày càng trở thành một “từ khóa” hấp dẫn đối với các nhà phát triển đô thị, “lọt tầm ngắm” của nhiều ông lớn trong và ngoài nước như Eurowindow với dự án khu đô thị mới mức đầu tư gần 8.000 tỷ, Daewoo E&C Hàn Quốc cũng “ghi danh” phát triển khu đô thị quy mô vốn gần 10.000 tỷ,…
Sự “vào cuộc” của các nhà phát triển đã giúp quá trình đô thị hóa ở Thái Bình diễn ra mạnh mẽ, trong đó, thành phố Thái Bình đang phát huy vai trò là đô thị hạt nhân, mang tính dẫn dắt.
Với mục tiêu phát triển song hành cả “lượng và chất”, quy hoạch thành phố đang được mở rộng về phía Nam, nơi có hạ tầng hiện hữu và quỹ đất đủ lớn để xây dựng các dự án đồng bộ, đáp ứng tiêu chí xanh, hiện đại, có bản sắc riêng.
Phối cảnh dự án Glory Downtown sầm uất về đêm.
Là một trong những dự án khu đô thị đầu tiên hiện diện tại khu vực phía Nam thành phố Thái Bình, Glory Downtown đang trở thành dự án tâm điểm khi tiên phong phát triển mô hình phố thương mại công viên với hai hệ giá trị, mang tới cho cư dân không gian thương mại sầm uất và kiến tạo không gian sống xanh bền vững.
Toạ lạc trên trục đường Lê Quý Đôn trung tâm, từ dự án có thể “một bước” tới hàng loạt tiện ích - dịch vụ của khu vực, từ hệ thống hơn 10 bệnh viện lớn, đến giáo dục, vui chơi, giải trí của thành phố với chỉ 5 phút di chuyển.
Với 128 căn shophouse được xây dựng 4 tầng với tiêu chuẩn bàn giao hoàn thiện mặt ngoài, gia chủ tại Glory Downtown sở hữu nhà phố thương mại với thiết kế tối ưu công năng, linh hoạt kết hợp giữa an cư và kinh doanh. Hơn nữa, trung tâm thương mại 7 tầng trong quy hoạch dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên một biểu tượng sầm uất mới tại khu vực.
Sự lột xác về mặt hạ tầng cùng chính sách thu hút đầu tư đột phá đã đưa Thái Bình ngày càng trở thành một “từ khóa” hấp dẫn. Những dự án được quy hoạch đồng bộ dần hiện hữu như Glory Downtown đang góp phần hiệu quả trong nỗ lực thu hút và giữ chân dòng tiền đầu tư, hướng tới tương lai phát triển bền vững.